Vận Chuyển Hàng Hoá Từ Trung Quốc - Việt Nam ! Liên Hệ: 0368 202 230 - 0916 880 338 (Zalo, Wechat)

Vietnamese Chinese

Giao nhận ecommerce tranh thủ cơ hội từ Mỹ

Giao nhận thương mại điện tử Việt Nam có đón cơ hội từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung?

Một món hàng từ Trung Quốc đến Mỹ có phí vận chuyển tương đương hoặc thấp hơn phí giao hàng toàn quốc ở Việt Nam. Tuy nhiên, mức giá rẻ “thần kỳ” đã bị Chính phủ Mỹ tuýt còi và có thể sẽ sớm không tồn tại trong thời gian tới. Liên minh Bưu chính Thế giới (Universal Postal Union - UPU) đã đưa ra chính sách giá vận chuyển hỗ trợ cho các quốc gia đang phát triển thông qua hệ thống bưu chính. Nhưng sau hơn 140 năm, Mỹ tuyên bố chính sách trợ giá như vậy không có lợi cho họ.

Mỹ - Trung căng thẳng

Có 2 đường đưa hàng vào Mỹ, một là thông qua hệ thống bưu điện, hai là thông qua các công ty vận chuyển thương mại. Dưới sự bảo trợ của UPU, một gói hàng khoảng 2kg vận chuyển từ Trung Quốc sang Mỹ chỉ tốn có 5USD, trong khi cũng gói hàng như vậy vận chuyển giữa các tiểu bang của Mỹ có mức giá gấp 4 lần. Nhiều năm qua, các thương nhân Trung Quốc bán hàng vào Mỹ đã được hưởng lợi rất nhiều từ chính sách trợ giá của UPU. Báo cáo thường niên năm 2017 của Global Top E-Commerce, một công ty bán lẻ xuyên biên giới Trung Quốc, cho biết có đến 70% các gói hàng từ Trung Quốc vào Mỹ qua hệ thống bưu chính.

Mỹ đã phải tài trợ 40-70% giá cước cho các gói hàng nhỏ từ Trung Quốc bao lâu nay. Ước tính, mỗi năm, Mỹ đã trợ giá khoảng 300 triệu USD cho hàng từ Trung Quốc.

Từ nhiều năm qua, Hiệp hội Các nhà Sản xuất Quốc gia Mỹ đã cho rằng thỏa thuận với UPU là lỗi thời, đồng thời đóng góp đáng kể cho việc hàng giả và thuốc nguy hiểm từ Trung Quốc tràn lan ở Mỹ. Chính vì thế, mới đây, Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ rút khỏi UPU vì chính sách áp phí vận chuyển không công bằng. Quá trình rút khỏi UPU sẽ kéo dài trong 1 năm và Nhà Trắng sẽ tái đàm phán lại các điều khoản của UPU. “Nếu đàm phán thành công, Mỹ sẽ hủy bỏ thông báo rút tiền và vẫn tiếp tục hoạt động trong UPU”, bà Sarah Sanders, phát ngôn viên của Nhà Trắng, cho biết.

Cơ hội cho Việt Nam?

Hành động rút khỏi UPU của Mỹ được xem là cái tát đối với các startup trong lĩnh vực thương mại xuyên biên giới của Trung Quốc vì gần như chắc chắn, mức giá vận chuyển thấp như hiện nay sẽ không còn dù Mỹ có ở lại liên minh này hay không. Theo tờ South China Morning Post (Trung Quốc), hiện mức giá vận chuyển hàng vào Mỹ qua đường bưu điện vẫn chưa tăng giá.

Mặc dù vậy, nhiều công ty đang rục rịch chuyển hướng bằng việc sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh thương mại như DHL, FedEx... nhưng hàng rào thuế quan từ Mỹ đang làm đau đầu các công ty này. Tuy nhiên, đại diện Global Top E-Commerce khẳng định chỉ có các công ty thương mại điện tử lớn, sở hữu hệ thống giao hàng xuyên biên giới mới không bị ảnh hưởng từ việc Mỹ rút khỏi UPU.

Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam năm 2017 cho thấy, có 32% doanh nghiệp vừa và nhỏ đã thiết lập quan hệ kinh doanh với nước ngoài qua kênh trực tuyến.

Đến thời điểm này, nhiều tên tuổi lớn trong lĩnh vực thương mại điện tử đầu tư vào Việt Nam như Alibaba, Tencent và Amazon tiếp cận các đối tác Việt Nam.Báo cáo mới nhất của DHL cho thấy tốc độ tăng trưởng trung bình của thương mại điện tử xuyên biên giới trên toàn cầu sẽ giữ vững ở mức 25% trong suốt 3 năm (2018-2020).

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất thế giới, với tốc độ 35% mỗi năm, gấp 2,5 lần so với Nhật. Đây cũng là tiền đề để phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới, bởi có đến 33% số người mua hàng trực tuyến đã từng mua một mặt hàng nào đó từ nước ngoài.

Ở Việt Nam, có 2 startup cung cấp dịch vụ mua hàng xuyên biên giới là Fado và Gido. Fado trực thuộc Miczone, công ty hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Gido là đơn vị trực thuộc Scommerce, công ty chuyên ứng dụng công nghệ trong việc giao hàng. Cho đến thời điểm hiện tại, cả hai công ty này không bị ảnh hưởng từ việc Mỹ rút khỏi UPU vì hàng chủ yếu là vận chuyển từ Mỹ vào Việt Nam. Được biết, mức giá chuyển hàng từ Amazon về Việt Nam trên các website chuyên vận chuyển hàng từ Mỹ như Fado, Weshop, Phongduy, Giaonhan247 có giá từ 1,6-1,9 triệu đồng cho món hàng có trọng lượng tối thiểu 1kg.

Ông Võ Hoàng Hải, Giám đốc Điều hành Gido, cho rằng có thể xem việc rút khỏi UPU là cơ hội cho các đơn vị giao nhận thương mại điện tử vì rõ ràng hệ thống bưu chính đang tạo gánh nặng cho nhiều quốc gia khi dịch vụ bán hàng xuyên biên giới đang phát triển nhanh. Hiện Gido có 10 kho nhận hàng ở Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan.

Ước tính, sau khi Mỹ rút khỏi UPU thì Trung Quốc sẽ gánh chịu thêm hàng tỉ USD mỗi năm cho các kiện hàng bưu chính gửi sang Mỹ. Đồng thời, các doanh nghiệp bán lẻ của Trung Quốc trên eBay, Amazon, Alibaba hoặc các trang mạng bán đồ online sang Mỹ xem như phá sản.

Mức thuế mới của Mỹ cũng đang giúp các sản phẩm của Việt Nam xuất vào thị trường Mỹ trở nên cạnh tranh hơn so với mặt hàng của Trung Quốc. Do cuộc chiến thương mại, nhiều nhà xuất khẩu Mỹ đang chuyển đổi sang mua hàng từ Việt Nam. Theo đó, nhu cầu vận chuyển hàng vào Mỹ từ Việt Nam sẽ gia tăng, kể cả các đơn hàng thương mại điện tử.

Tuy nhiên, giám đốc một công ty thương mại điện tử cho rằng hiện vẫn chưa xác định lợi ích cụ thể dành cho doanh nghiệp trong nước vì còn phải chờ động thái từ phía Trung Quốc cũng như Mỹ. Việc rút khỏi UPU cho phép Mỹ xây dựng biểu phí dịch vụ bưu chính riêng đối với các đơn hàng vận chuyển quốc tế. Chưa rõ các doanh nghiệp Việt Nam có được ưu đãi vào thị trường Mỹ hay không

Tin Khác

1 / 12
Go Top